Mới cập nhật

Cư sĩ trẻ đóng góp cho Giáo hội: Nhìn từ Phạm Nhật Vũ

Các hội nghị Trung ương Giáo hội có dáng dấp như một “hội đồng hòa thượng”, hơn là một hội đồng có nhiều thành phần và chuẩn bị để đảm nhiệm gánh nặng điều hành Phật sự.


Bản tin “GHPGVN sơ kết Phật sự 6 tháng đầu năm 2011” đăng trên nhiều trang mạng Phật giáo với nhiều hình ảnh có nhiều điểm khác biệt so với những lần họp trước đây, khiến người đọc tin không thể không quan tâm.
Đó là sự hiện diện của một cư sĩ trẻ. Ông Phạm Nhật Vũ, một doanh nhân được nhiều người biết tiếng, và cũng là một cư sĩ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Bài viết này không nhằm mục tiêu lưu ý bạn đọc sự hiện diện của riêng cá nhân ông Phạm Nhật Vũ, mà mục tiêu của bài viết, là mong rằng qua sự việc được ghi nhận ở đây, sẽ có những bước phát triển nhiều thuận duyên hơn đối với Phật giáo Việt Nam.

Cư sĩ Phạm Nhật Vũ phát biểu về việc thành lập Ban Truyền thông GHPGVN tại cuộc họp của Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN
Về mặt lý thuyết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là một giáo hội mang tính chất tăng lữ, được điều hành bởi một tập thể chỉ những chức sắc cao cấp (chẳng hạn, Hội đồng Giám mục), mà là một tổ chức được chuẩn bị để người tín đồ tham gia hoạt động điều hành giáo hội, cụ thể là tham gia Hội đồng Trị sự và các ban.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai mục tiêu đã được nói đến ở trên đã tỏ ra hết sức giới hạn.
Hầu như tất cả các bức ảnh chụp các hội nghị của Trung ương Giáo hội trước đây đều cho thấy tỷ lệ rất cao những vị tăng sĩ cao tuổi, tất nhiên phần lớn là hòa thượng.
Điều đó đã trở nên quen thuộc với tăng ni Phật tử Việt Nam. Nếu tính số tuổi trung bình cộng của các vị chức sắc tham dự các cuộc hội nghị Trung ương Giáo hội như vậy, chắc chắn con số có được sẽ rất cao.
Chúng tôi không muốn nói đến ảnh hưởng của tuổi tác đối hiệu quả công việc, và ngược lại, ảnh hưởng của công việc đối với sức khỏe người cao tuổi, vì đó là chuyện đương nhiên.
Nhưng, phải tạm chấp nhận điều đó, và các hội nghị Trung ương Giáo hội có dáng dấp như một “hội đồng hòa thượng”, hơn là một hội đồng có nhiều thành phần và chuẩn bị để đảm nhiệm gánh nặng điều hành Phật sự.
Cho đến hôm nay, thật bất ngờ, số thành viên hội nghị không mặc áo tu sĩ có vẻ dường như đông hơn. Và có một người trẻ, chưa hết những năm 30 tuổi, nghĩa là vẫn còn một thanh niên, xin được nhấn mạnh: một thanh niên đã phát biểu trước hội nghị.
Qua bản tin vắn tắt, người đọc không biết anh Phạm Nhật Vũ nói những gì, nhưng điều chắc chắn, là những phát biểu của anh sẽ mang nội dung đóng góp khác với nội dung phát biểu của chư vị hòa thượng.
Vì lẽ rất đơn giản, quý hòa thượng đang lãnh đạo giáo hội ở cương vị và trong công việc hoàn toàn khác hẳn với anh Phạm Nhật Vũ.
Do đó, phát biểu ý kiến của người thanh niên cư sĩ, doanh nhân, làm việc trong lãnh vực truyền thông, như anh Phạm Nhật Vũ chắc chắn sẽ làm nội dung của cuộc họp phong phú hơn, đưa đến những đóng góp từ trước đến nay không thể có, với những nội dung hoàn toàn mới lạ và chắc chắn, rất bổ ích.
Như đã trình bày ở trên, bài viết này không nhằm vào riêng anh Phạm Nhật Vũ, mà nhằm vào việc mong rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có một tư duy mới trong việc điều hành hoạt động tổ chức.
Chúng ta điều biết, các xu hướng hiện nay của các tổ chức là hướng đến những người lãnh đạo trẻ, có sức khỏe, có năng lực, có trình độ, có học vấn, năng động, sáng tạo.
Các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội, trong công tác cán bộ, đều quan tâm đến hoạt động đào tạo thế hệ kế cận. Những cán bộ thanh niên công tác tốt, sáng tạo, năng động… đều được đưa vào quy hoạch. Nhiều cán bộ thanh niên được bổ nhiệm nhanh chóng vào những chức vụ lãnh đạo trung ương và địa phương.
Và công tác quy hoạch cán bộ trẻ luôn luôn được quan tâm. Số tuổi bình quân của nhiều cơ quan trung ương giảm xuống thấy rõ. Và phía sau những nhà lãnh đạo đương nhiệm, luôn luôn là hệ thống các nhà lãnh đạo trẻ được quy hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Từ những năm 1991, ông Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú ý đến khái niệm “3 độ tuổi”.
Trong bài “Kinh tế thị trường và nền chính trị dân chủ ổn định” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 8-1991 tác giả Nguyễn Phú Trọng đã viết “Trong việc thay đổi, bố trí cán bộ, đã chú ý kết hợp cán bộ cũ với cán bộ mới, kết hợp “ba độ tuổi”, nhằm bảo đảm tính liên tục và tính kế thừa trong mỗi cơ quan lãnh đạo.Việc kết hợp nhiều độ tuổi là một kinh nghiệm tốt trong công tác cán bộ của Đảng ta” (1).
Khái niệm “ba độ tuổi”, “kết hợp nhiều độ tuổi, trong công tác nhân sự phục vụ cho hoạt động điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu có được nhắc đến đi nữa, thì trong thực tế, kinh nghiệm đáng quý đó có lẽ vẫn còn chưa được áp dụng thật sự và chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Vì vậy, cho đến hôm nay, chúng ta mới bất ngờ, vì hình ảnh một cư sĩ thanh niên phát biểu trong một hội nghị Trung ương Giáo hội.
Điều trên hết là mong rằng sự kiện này trở thành một tiền lệ tốt cho Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thúc đẩy hoạt động của Giáo hội có những bước tiến có tính đột phá, trên tất cả mọi lĩnh vực. Phật giáo Việt Nam, trong những hoạt động ngày càng gắn bó với cuộc đời hơn, cần có những kinh nghiệm, tư duy ý kiến đóng góp và điều hành của người cư sĩ sống trong cuộc đời. Ở đây, trở lại với trường hợp anh Phạm Nhật Vũ, thì nếu trong kỳ họp ngày 20/8/2011 không có sự hiện diện của anh, thì nội dung đóng góp có liên hệ đến lãnh vực mà anh đang làm việc sẽ không có. Và điều đó chắc chắn là một thiệt thòi đối với Phật giáo Việt Nam.
Cũng vậy, kết quả hoạt động của một tổ chức “kết hợp ba độ tuổi” chắc chắn là hơn hẳn với tổ chức chủ yếu lãnh đạo với “một độ tuổi”, và hơn nữa, lại là lứa tuổi lão niên.
Với bài viết này, điều chúng ta hy vọng hơn hết, là trong nhiệm kỳ sau, các hội nghị Trung ương GHPGVN sẽ có thêm nhiều cư – sĩ – thanh – niên, làm việc ở nhiều lãnh vực như anh Phạm Nhật Vũ. Và kỳ họp lần này sẽ tạo ra một tiền lệ quý giá.
Tuy chưa biết chắc là điều gì, nhưng chắc chắn, sự hiện diện của cư sĩ thanh niên Phạm Nhật Vũ sẽ đưa lại cho Phật giáo Việt Nam một sự kiện phát triển đột phá. Chúng ta chờ xem?
Và số đông hơn tăng ni và cư sĩ thanh niên có tài năng, có trình độ, có sức khỏe, tham gia vào hoạt động điều hành Giáo hội, chắc chắn sẽ đưa đến một hệ thống các bước phát triển đột phá, toàn diện và triệt để.
MT
-----------------------------------
(1) Có thể tìm đọc toàn văn bài viết từ sách “Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước” Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

Không có nhận xét nào