Mới cập nhật

Hà Nội: Lễ Lạc thành Tổ đình Linh Ứng

Ngày 12/5/2013 nhằm ngày mùng 3 tháng 4 năm Quý Tỵ, chư Tăng và phật tử tổ đình Linh Ứng (chùa Thị Cấm) đã long trọng tổ chức Lễ Lạc thành Ngôi đại hùng bảo điện tọa lạc thôn Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Tp.Hà Nội.

Buổi lễ có sự chứng minh và tham dự của nhiều chư Tôn thiền đức Tăng Ni và hàng trăm phật tử thập phương hoan hỷ về tham dự. Được biết chùa Linh Ứng được xây dựng cuối thời Trần. Đến cuối thế kỷ 17 , vợ chồng bà Nguyễn Thị Hảo ở bản thôn đã dem của nhà tu sửa cung điện, gác chuông, khánh.

Chùa là một quần thể kiến trúc rất phù hợp với phong thuỷ. Địa thế chùa xây trên gò Rùa thoai thoải cao hơn mặt ruộng khoảng 3m. Chùa toạ Tý hướng Ngọ khu chùa chính được xây dựng kiểu hình chữ Công, diềm mái thấm, chỉ cao có 1m5 và các cấp nền cao dần vào trong.

Ba bậc cao dần từ Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện là biểu hiện sự thành đạt trong quá trình tu luyện từ dục tới qua sắc giới đến vô sắc giới. Đặc trưng kiến trúc này rất phổ biến trong các dấu tích của những ngôi chùa cổ thời Trần.

Chùa được xây dựng trong môi trường tự nhiên thuận lợi: Phía trước là sông Nhuệ, bao quanh phía Đông và phía Bắc là 4 dải đê cổ và hệ thống luỹ làng. Nằm lọt trong môi trường cây xanh rộng lớn nên di tích vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch rất phù hợp với kiến trúc chùa chiền.

Ngoài sự hoà hợp với tự nhiên, di tích còn có vẻ tự thân bởi sự vững chắc, hài hoà giữa các nếp nhà với 8 đầu đao của Tiền đường và Thượng điện vươn cao tạo cảm giác bay bổng cho toàn bộ công trình. Bên trong các nếp nhà được thông nhau tạo mặt bằng thông thoáng, thuận lợi cho việc xếp đặt hệ thống tượng tròn gồm 30 pho tượng lớn, 25 pho tượng nhỏ trên động Di Lặc và Tuyết Sơn được tạo tác ở những niên đại khác nhau có giá trị nghệ thuật điêu khắc lớn.

Đặc biệt khác lạ là có Kim Đồng Ngọc Nữ thị giả (còn gọi là động Tôn nữ) có niên đại thời Lê Trung Hưng ở hai bên của nhóm tượng. Chùa hiện còn quả chuông “Linh ứng tự chung” đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1795).

Bài vịnh trên chuông do quan lại Bộ tư vụ triều Tây Sơn là Diên Đức Lam soạn. Lần đúc chuông còn để lại di vật văn hoá quý là 2 tấm bia “Hậu Phật bi ký”. Chùa được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - Kiến trúc , nghệ thuật ngày 2 – 3 – 1990. Hiện nay, Đại đức Thích Thanh Nguyện trụ trì chùa.

Dưới đây là chùm ảnh ghi nhận được tại buổi lễ: 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tịnh Phương
Theo: phatgiao,org.vn 

Không có nhận xét nào