Mới cập nhật

Giá mà thầy đừng thương con theo cách đó…

Con đã suy nghĩ rất nhiều khi gửi gắm những dòng này vì con biết, có thể thầy đọc được và thầy sẽ buồn.

Nhưng rồi con quyết định sẻ chia, thầy ơi…
Cách thương của thầy không phải là “cho roi cho vọt” mà là thương ra mặt, thương ai là biểu hiện thương thật nhiều. Mà đâu phải trong chùa có mình con, có những mười mấy anh em đồng tu, đồng học nhưng thầy không thương quý huynh đệ ấy bằng thương con…




Hồn nhiên trong tình thương của thầy, Tiểu nhé (minh họa) - Ảnh: B.Toàn


Con không hiểu nhân duyên nào đã làm cho thầy có tình thương nhiều như vậy với con, song, điều đó đã làm cho con bị cô lập giữa rất đông huynh đệ. Thầy biết không, lúc đầu nhận được tình thương của thầy con đã hạnh phúc, đã lâng lâng sung sướng và có chút… tự cao. Con xem anh em đồng học là những người “ít được thầy thương” nên con đã biết… lên mặt, biết làm “đại ca”.
Cái tính xấu xí ấy của con phát sinh từ “tình thương không công bằng” mà thầy đã dành cho con! Dẫu con là người nhận được nhiều ưu ái của thầy nhưng đó không phải là hạnh phúc, là may mắn mà trái lại tình thương ấy đã làm con hư.
Giá mà ngày đó con chững chạc hơn, con hiểu biết hơn hay chí ít biết suy nghĩ được như bây giờ thì chắc là con sẽ không trở thành một sư đệ không biết khiêm hạ là gì của các sư huynh, không trở thành sư huynh xa cách của mấy sư đệ…
Con không trách thầy nhưng con tiếc, con tiếc cho con và cho cả tình thương - vốn dĩ là chất liệu ngọt ngào cho tâm hồn lại vô tình trở thành “con dao hai lưỡi”, gây ra những thương tổn cho chính con và huynh đệ của con. Con đã vô tâm lớn lên trong sự thương yêu, bảo bọc “thiên lệch” của thầy nên con càng ỷ lại, càng dựa dẫm bởi con nghĩ đã có thầy thương, là “cây cao bóng cả” che mát cho con. Con dần thối thất tâm ham học như lúc mới vào chùa, con dần biết cách lấy lòng thầy để thầy thương nhiều hơn.

Không phải những khó khăn mới làm rơi rụng Bồ đề tâm mà ngay cả những ngọt ngào đôi khi là thứ “nội gián” có thể đâm sau lưng mình bất cứ lúc nào.
Từ ý niệm đi tu là để giải thoát, để diệt trừ tham muốn thì con lại chạy theo cái tham muốn được thầy thương nhiều hơn, được thầy tin cậy, giao việc (nhưng không phải từ năng lực thật sự mà chính từ sự lanh lẹ, khôn ngoan, biết lấy lòng thầy…).
Con đã thành công với những “mưu mô, toan tính” ấy của mình nhưng thầy ơi, con đã thất bại thảm hại trên đường tu.
Đường tu là con đường giải thoát, làm an lạc cuộc đời thì con đã biến đường tu của mình thành con đường danh vọng (dẫu không to tát gì, chỉ trong phạm vi chùa mình) nhưng con đã biết cách luồn lách để đi bằng sự khéo léo chứ không phải bằng chất liệu Từ-bi-hỉ-xả (Tứ vô lượng tâm) của người con Phật. Con đã sai, và giá như thầy không cho con cơ hội đó.
Ngày nhận được tình thương của thầy thì con còn quá nhỏ để hiểu, để vượt qua những “cám dỗ” bởi “lợi ích” từ tình thương thầy dành cho nên con đã ngã đau đớn trên con đường tu tập.
Đến bây giờ, khi đã một lần va vấp phải rời khỏi ngôi già lam (nơi mà thầy trò, huynh đệ đã nương náu bao năm) trong sự đau xót của thầy con mới nhận ra rằng: Ái (tình thương) có thể giết chết một người một cách âm thầm nếu người tặng và người nhận “món quà” thương yêu ấy không cảnh giác, không kiểm tra về sự chân thành, về sự công bằng… Con càng thấm hơn bài học mà Đức Thế Tôn dạy về pháp Lục hòa của Tăng đoàn.
Nếu tình thương của thầy “lợi hòa đồng quân” thì có lẽ con và huynh đệ đã không bất hòa, mà sẽ biết “kiến hòa đồng giải”. Nếu con khéo léo và vững chãi hơn thì con đã không để cho “mật ngọt chết ruồi”, không lạm dụng tình thương của thầy để đánh mất những đức tính nhu hòa, nhẫn nhục, khiêm cung, ân cần lắng nghe và học hỏi của mình…
Đánh mất những hạnh lành ấy bằng việc ỷ lại, sử dụng bóng thầy làm vỏ bọc cho mình là con đã dựa dẫm, đã không đi trên đôi chân. Và thật vậy, thưa thầy, do không đi trên đôi chân nên con không đứng vững được trên đôi chân. Con đã ngã ngựa giữa đường trong khi huynh đệ vẫn còn giữ hình tướng đầu tròn áo vuông, hạnh phúc trong giáo pháp và sự thực tập lời Phật dạy. Bài học từ tình thương thiên lệch nơi thầy và từ sự thiếu kỹ năng sống, thiếu vững chãi để vượt qua những ngọt ngào của con là bài học sống động cho những ai mới bước vào đời tu, bước vào đời sống Tăng đoàn…
Không phải những khó khăn mới làm rơi rụng Bồ đề tâm mà ngay cả những ngọt ngào đôi khi là thứ “nội gián” có thể đâm sau lưng mình bất cứ lúc nào.
Đôi dòng này, có lẽ con viết không phải cho thầy mà là cho con, trong sự phản tỉnh của chính mình và cũng là nhắn gửi chân thành của một người đã từng vấp ngã với những “thiên thần quét lá” còn đang bên thầy, bên huynh đệ đồng tu của mình…
Cùng Tử (Phong Châu ghi)

Không có nhận xét nào