Mới cập nhật

Ăn chay ngày Tết... theo đạo Phật

Ăn chay ngày Tết không hẳn là tu hành mà chỉ đơn giản là để được lắng lòng, thanh lọc cơ thể, chay tịnh tinh thần để chiêm nghiệm cuộc đời nhân lúc Xuân sang.
Vừa thanh tịnh vừa... sớm siêu thoát
Ngày nay trên thế giới, ăn chay là thời thượng, có tính văn hóa và văn minh cao. Ở Việt Nam, ngay từ  ngày đầu năm mới, người ta thường ăn chay bên cạnh việc đi chùa lễ phật, hái lộc đầu năm.
Vì vậy, ăn chay ngày tết mang ý nghĩa tâm linh, là nét văn hóa tết độc đáo của dân tộc ta. Cũng cần nói thêm, ở Nam bộ, ăn chay ngày tết là hiện tượng khá phổ biến ở một số gia đình từ nông thôn đến thành thị. 
Thanh tịnh món cơm tấm bì chay

Nhắc đến ăn chay hay ăn lạc, ăn tương, người ta thường nghĩ đó là cách ăn của những người theo đạo Phật, không sử dụng nguyên liệu chế biến từ động vật mà chỉ dùng toàn bằng thực vật.
Phật giáo chủ trương ăn chay giúp con người bớt sát sinh, tạo nghiệp ác để gieo lòng từ bi, hướng thiện. Trong Ngũ giới cấm của nhà Phật có giới cấm sát sinh. Do đó, cấm sát sinh và ăn chay có mối quan hệ thống nhất, chặt chẽ với nhau.
Do cả năm bề bộn công việc mưu sinh, nên một số người chỉ ăn chay vào ngày mùng 1 Tết để bù cho cả năm, nhằm cầu phước đức, may mắn cho năm mới và sám hối những gì đã làm không phải trong năm cũ.
Mấy ngày cuối năm, đối với những gia đình có ăn chay, mấy bà nội trợ đã lo mua hoặc tự làm nguyên vật liệu để nấu các món chay cho mấy ngày tết như: Cá chay, ruốc chay, bánh tráng, rau củ, tương, chao...
Với những ngày đầu năm, người ta ăn món gì thì cúng ông bà tổ tiên món nấy. Cúng chay ngày tết mang ý nghĩa cầu mong cho cửu huyền thất tổ được nhiều phước lành, hướng về Phật pháp, hướng về điều lành được thanh thản và sớm siêu thoát.
Mặt khác, ăn chay ngày Tết giúp cho mỗi người biết hướng về điều thiện, điều lành, phát từ tâm, tạo nhân duyên tốt… ngay từ những ngày khởi đầu năm mới. Góp phần chứng minh sự ảnh hưởng khá sâu sắc của Phật giáo vào đời sống văn hóa người Việt Nam, trong đó có văn hóa Tết.
Trong thời khắc giao hòa của năm cũ và năm mới, bữa cơm chay đã mang đến cho con người sự an lạc và thanh tịnh.
Đa dạng món chay... mỹ miều
Nếu như vào những mùa chay của Phật giáo, người ta nhớ đến thực đơn với tên gọi khá đặc biệt: Thập bát La hán, Tứ sự, Bát bửu, Thập nhị nhân duyên, Tứ diệu đế… thì những món chay ngày Tết cũng rất đặc trưng của mùa.
Người ta thường gọi “Nắng xuân ươm mầm” bao gồm cơm xào với các loại đậu, cà rốt, khoai tây và một chút gia vị là sự ấm áp của nắng xuân, chất xúc tác làm cho hạt nảy mầm.
Người chế biến khá dễ dàng nhưng phải tạo được hấp dẫn, bắt mắt, gợi cảm giác đầy đủ, sum vầy và đầy thi vị. “Nắng xuân ươm mầm” nếu kết hợp với “Nghiêng nón đón xuân” được chế biến từ nấm rơm rim khô với nước dừa thì không có gì thú vị bằng. 

Món lẩu nấm chay
Ngày Tết, ta thường có cảm giác chán ăn thì đã có “Nghinh xuân” gồm đu đủ xanh ngả vàng, đậu hủ cắt nhỏ tẩm chiên vàng, đậu phụng rang vàng thơm. Tất cả trộn với chanh ớt, nếm vừa miệng, nó còn gọi là gỏi đu đủ rất dễ làm người ta “ngã lòng” bởi hương vị và màu sắc.
Hay đặc biệt hơn với “Cội mai già hóng gió” gồm các loại rau xà lách, một ít bột thính khoai tây cuốn lại với nhau, người sành ăn chay gọi đó là bì cuốn dùng để “ăn chơi”. Tuy chế biến cực kỳ dễ nhưng đòi hỏi một chút công phu, khéo léo nên khi thưởng thức nó với nước chấm chua ngọt thì quả là không phí công sức.
Và đừng quên chế biến thêm “Hội tụ tháng Giêng”, đó chính là món bún riêu cua đầy “ma lực” mà rất nhiều người sành ẩm thực chay ưa thích. Sự kết hợp của cà chua, đậu hủ, nấm rơm, riêu, bún tươi, rau muống bào, hoa chuối, giá và một chút mắm đầy… “hương” lan tỏa làm người xa quê phải chạnh lòng nhớ mãi.
Ẩm thực chay ngày Tết rất đa dạng nhưng nếu kết hợp các món kể trên, ta sẽ có một bàn tiệc chay với đầy đủ chất, hương, vị và sắc. Sau bữa cơm chay đầy hấp dẫn này, ta cũng có thể dùng thêm các món tráng miệng “Nắng, mưa và nụ tầm xuân” không gì khác là hạt lựu, sương sa, sương sáo. Hay thưởng thức vị mát lành của “Hoa quả mùa xuân” gồm các loại trái cây bốn mùa đầy sắc màu… Mâm cơm chay gia đình ngày xuân bỗng dưng đầm ấm, vui vầy đến lạ. 
Ngày tết càng trở nên đáng yêu hơn nếu trên mâm cỗ thết đãi khách có thêm những món chay mang hương vị, màu sắc phong phú từ thiên nhiên, bên bạn bè và người thân gia đình sẽ khiến cho ta bỗng thấy yêu đời, yêu đất trời quê hương kỳ lạ.
Bùi Hiền

Không có nhận xét nào