Hiếu là đạo
Báo hiếu, báo
ân không phải là lý thuyết, không phải là triết lý, mà nó đã trở thành hiện thực
trong đời sống đạo đức tâm linh của mỗi chúng ta.
Nhiều vị làm văn hóa đề nghị rằng, đưa lễ Vu Lan vào
lễ hội văn hóa, nhưng tôi thấy rằng, đề nghị đó không có gì mới mẻ và không có
gì sâu sắc cho lắm.
Không có gì mới mẻ, vì lễ Vu Lan là một lễ truyền thống
lâu đời của Phật giáo, gắn liền pháp an cư và pháp tự tứ của Tăng trong truyền
thống Phật giáo Phạn Hán, và đã có một ảnh hưởng nhất định đối với nền đạo lý
hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam. Và đề nghị ấy không có gì sâu sắc để đáng quan
tâm, vì lễ Vu Lan không phải là lễ hội văn hóa, mà đối với dân tộc Việt Nam, lễ
Vu Lan đã trở thành nếp sống hiếu nghĩa đạo đức tâm linh của cả dân tộc.
Hiếu nghĩa đặt nền tảng cho đạo đức tự thân, gắn chặt
với đạo đức gia đình và xã hội; gắn chặt những điều tốt đẹp của con người giữa
đời nầy và đời sau. Hiếu có khả năng đình chỉ mọi điều xấu ác cho tự thân của
con người và xã hội. Hiếu có khả năng làm thay đổi con người từ thế giới mê lầm
bước tới đời sống giác ngộ. Nên, Vu Lan là pháp học và pháp hành của mọi người
con có hiếu thảo, chứ không phải chỉ là triết lý hiếu thảo của các triết gia
hay đóng tuồng hiếu thảo của các nghệ sĩ ở nơi các sân khấu hoặc các diễn trường
lễ hội.
Văn hóa chỉ là một mảng của cuộc sống mà không phải
là tất cả. Hiếu là tất cả cuộc sống của con người mà không phải là một mảng. Hiếu
là đạo và hiếu đã trở thành đạo lý của con người. Không có hiếu, ta không có đạo.
Không có hiếu, ta sẽ không có tín ngưỡng, không có hiếu ta sẽ không có đạo đức,
không có hiếu ta sẽ không có tâm linh, không có hiếu ta sẽ không có cha mẹ,
không có dòng họ, không có xóm làng, không có hiếu ta sẽ không có quê hương,
không có tổ quốc, không có đồng bào, không có hiếu ta sẽ không có cái đẹp của
người trên và kẻ dưới; không có hiếu ta sẽ không có sự đối xử tốt đẹp giữa người
sống và người chết. Không có hiếu xã hội loài người sẽ mất trắng đạo đức và
tình nghĩa, vì chúng không còn có gốc rễ của cái đẹp. Gốc rễ của cái đẹp đã
không có, thì làm gì có văn hóa? Văn hóa đã không có, làm gì có lễ hội văn hóa
nhĩ!
*Ngọn Nến Vu Lan
Mùa Vu Lan lại trở về, ta có cơ hội nghĩ đến những
điều dễ thương của cha mẹ, và làm cho chất liệu dễ thương ấy có mặt trong thân
tâm ta và trong đời sống của ta. Như vậy, ta mới kế thừa được những gì tốt đẹp
từ cha mẹ ta và từ nơi tổ tiên nội ngoại của ta.
Ở trong đời không có người cha nào, mà không từng có
những hành động và cử chỉ đẹp đối với con cái. Vu Lan về, ta có cơ hội ngồi thật
yên lắng, để nghĩ về cái đẹp của cha đối với mình và đối với mẹ mình, và mình
ghi cái đẹp đó của cha mình ra trên một tờ giấy, qua từng nét bút thật trang trọng,
và hứa sẽ nỗ lực biến cái đẹp của cha trở thành cái đẹp của mình trong hiện tại
và trong tương lai. Ở trong đời không có bà mẹ nào, mà không từng có những hành
động và cử chỉ đẹp đối với con cái. Vu Lan về, ta có cơ hội ngồi thật yên lắng,
để nghĩ về cái đẹp của mẹ đối với mình và đối với cha mình, và mình ghi cái đẹp
đó của mẹ ra trên một trang giấy, qua từng nét bút thật trang trọng, và hứa sẽ
nỗ lực biến cái đẹp của mẹ trở thành cái đẹp của mình, trong hiện tại và trong
tương lai. Nếu ta không kế thừa được những gì tốt đẹp từ cha mẹ ta, từ tổ tiên
nội ngoại của ta, thì làm sao ta có thể trở thành người con cháu hiếu thảo ở
trong gia đình và dòng họ, để có cơ sở trở thành những con người hữu ích cho xã
hội? Ta không biết được cái đẹp của cha mẹ ta và ta không biết trân trọng những
cái đẹp ấy, thì ta không bao giờ lớn lên trong cái đẹp làm người và trong cái đẹp
của trời đất.
Thời đại chúng ta là đại công nghiệp, nên con người
ngày nay đã bị công nghiệp làm cho bận rộn. Bận rộn đến nỗi, con người không
còn có thì giờ để ăn và ngủ; bận rộn đến nỗi cha mẹ không còn có cơ hội ngồi
chơi với con cái và con cái cũng không có cơ hội ngồi chơi với cha mẹ, để nghe
những gì cha mẹ chia sẻ, đó là nỗi bất hạnh lớn nhất trong thời đại công nghiệp
của chúng ta!
Nếu ta làm nhà đạo đức, nhà văn hóa, nhà chính trị,
nhà giáo dục, nhà khoa học mà để cho tình nghĩa cha mẹ và con cái bị đánh mất
đi trong đời sống của con người, biến con người trở thành vô cảm, thì không có
gì tệ hại và tội lỗi cho bằng!
Nếu những nhà lãnh đạo đất nước mà thông minh, thì
nên đưa ngày lễ Vu Lan trở thành quốc lễ và khích lệ quốc dân thể hiện sự hiếu
kính đối với tổ tiên và cha mẹ đang còn sống cũng như đã qua đời, trong ngày lễ
Vu Lan này, tạo thành một điểm nhấn đạo đức để giữ nước và dựng nước. Mọi người dân sẵn sàng hy sanh thân mạng để
giữ nước và dựng nước, vì trong hồn thiêng đất nước vốn có cha mẹ và tổ tiên của
họ. Họ yêu đất nước qua tổ tiên, cha mẹ của họ, nếu không có cha mẹ tổ tiên của
họ, họ không bao giờ có đất nước để yêu!
Hôm nay mùa Vu Lan lại trở về, tôi xin được chia sẻ
những cảm niệm về Vu Lan của mình và mong rằng, Tăng Ni Phật tử chúng ta cùng nhau
thực tập, thắp sáng ngọn nến Vu Lan, để bao oan khiên, nghiệt ngã giữa đời thường
xóa sạch, để cho ý nghĩa Vu Lan trở thành hiện thực trong đời sống của mỗi
chúng ta, và để chúng ta có thể trao truyền ngọn nến Vu Lan này, đến với các thế
hệ con cháu của chúng ta trong tương lai.
THÍCH THÁI HÒA
(Nguồn: Hoangphap.info)
Không có nhận xét nào