Mới cập nhật

Tu chùa, chợ hay nhà là tốt nhất

“Trong dân gian có câu “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa” cho rằng “tu tại gia” là khó nhất và quan trọng nhất. Đây là cách nghĩ sai lầm” - thầy Thích Thiện Nghĩa, chủ nhiệm Câu lạc bộ Hạnh Nguyện tại TPHCM chia sẻ.
 
Hiểu đúng nghĩa chữ “tu”
 
Muốn hiểu rõ ý nghĩa của câu nói dân gian trên, chúng ta cần hiểu đúng nghĩa chữ “tu” ở trong đó. Tu có nghĩa đơn giản nhưng hàm chứa tương đối đầy đủ nhất là “sửa”. Vậy tu cần sửa, sửa cái gì? 
 
Nếu tâm không tịnh thì dù có tu ở đâu chăng nữa cũng không thành tựu.
Nếu tâm không tịnh thì dù có tu ở đâu chăng nữa cũng không thành tựu.
 
Sửa ba nghiệp: Thân, khẩu, ý nghiệp. Vì sao phải sửa ba nghiệp? vì khi chúng ta sinh ra trong sanh tử luân hồi là ba nghiệp, thân làm ác, tâm nghĩ ác, miệng nói ác đó là lý do mà lâu nay mỗi người thường phải trôi lăn trên bờ luân hồi lục đạo.
 
Trong 10 thiện nghiệp đạo ấy là: thân có 3, khẩu (miệng - PV) có 4, ý có 3. Thân có 3 là: thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm; khẩu có 4: không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác, không nói lời thêu dệt; ý có 3: là không tham lam, không giận hờn và không si mê. 
 
Vì thế muốn được tu 10 thiện nghiệp thì phải tu ngay nơi 3 nghiệp. 
 
Từ đó để hiểu đúng nghĩa chữ tu thì tu ở đâu mà chẳng được chỉ cần an tịnh cái tâm, thì cần gì phải phân biệt là tu nhà, tu chợ hay tu chùa. Nếu tâm không tịnh thì dù có tu ở đâu chăng nữa cũng không thành tựu. 
 
Xét ở thứ tự tu tập từ khó đến dễ
 
Nói về việc tu nhà, đây là ngôi nhà thế tục của mỗi người, luôn có lắm chuyện thị phi, nào hơn thua, nào ganh ghét, nào danh lợi… nói chung là cuộc sống tràn ngập ngũ dục thế gian. 
 
Do đó, người tu đạo ngay nơi ngôi nhà thế tục là một việc khó không phải dễ, đòi hỏi chúng ta cần có một công năng riêng trải qua quá trình dày công tu tập. 
 
Vì lúc ấy, ta tu hành giữ giới sẽ phải đấu tranh với những việc chúng ta làm, kiếm sống, sinh hoạt hằng ngày (kinh doanh thì phải có lời, muốn nông sản tốt phải dùng thuốc diệt sâu rầy,…)
 
Tu tại nhà là một việc khó không phải dễ, đòi hỏi phải dày công tu tập (ảnh minh họa)
Tu tại nhà là một việc khó không phải dễ, đòi hỏi phải dày công tu tập (ảnh minh họa)
 
Còn tu ở chợ, đây là nơi thường xuyên xảy ra thị phi và có đầy sự tranh giành quyền lợi, hơn thua giữa người mua và kẻ bán, cảnh ồn ào nơi phố chợ sẽ khiến việc khó khăn cho việc tu hành.
 
Riêng tu chùa, là nơi trang nghiêm thanh tịnh, lối sống cách xa cuộc sống thế tục, bất nhiễm đời, chư tăng tu hành theo giáo pháp Phật... vì thế là môi trường rất tốt cho những ai tìm con đường giải thoát.
 
Xét ở không gian tu tập tại ba vị trí khác nhau
 
Người Phật tử vì những mối quan hệ ở ngoài đời nên luôn luôn bận rộn, phải lo cho cuộc sống gia đình vì thế mà không thể nhất quán một môi trường tu tập nào. Và cũng không thể chuyên tâm hành theo pháp của chư Phật cả ngày được.
 
Những người Phật tử với nghề buôn bán phải chọn pháp tu chợ, người Phật tử là nội trợ phải lo trau dồi pháp tu nơi nhà mình, những ai có nhiều thời gian rảnh rỗi, kinh tế tương đối ổn định thì việc đến chùa tu học là việc làm dễ dàng hơn.
 
Vì vậy, câu nói “nhất tu nhà, hai tu chợ, ba tu chùa” đã nói lên hai ý nghĩa về cấp bậc tu  và không gian tu tập.
 
Người Phật tử nên chọn môi trường tu tập riêng phù hợp với căn cơ của mình để đạt được sự giải thoát (ảnh thầy Thích Lệ Minh, chùa Thiện Mỹ (quận 5) trao tặng kim thân tượng Phật sơ sanh cho phật tử tại gia)
Người Phật tử nên chọn môi trường tu tập riêng phù hợp với căn cơ của mình để đạt được sự giải thoát (ảnh thầy Thích Lệ Minh, chùa Thiện Mỹ (quận 5) trao tặng kim thân tượng Phật sơ sanh cho phật tử tại gia)
 
Nhưng nếu chúng ta hiểu theo nghĩa đó thì chưa đúng với tinh thần Phật dạy. Vì tu là sửa, sửa ngay nơi cái lỗi lầm, cái sai sót mà chúng ta đã tạo mà cái cơ bản nhất là sửa ba nghiệp. Nếu ba nghiệp đã thanh tịnh rồi thì việc tu đâu, ở đâu không còn là vấn đề để bàn.
 
“Tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, dù có ở nhà hay ở chợ nếu chúng ta áp dụng giáo lý Phật đà trong mọi công việc thường nhật thì việc tu tập cũng dễ dàng. Nhưng nếu ở chùa mà không tu thì cũng hoàn không. 
 
Tuy nhiên người Phật tử nên chọn môi trường tu tập riêng phù hợp với căn cơ của mình. Chùa là nơi tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn so với ở chợ và ngay tại gia đình, vì thế nếu chúng ta có điều kiện cũng nên đến chùa tu tập để thực hành pháp tu được thuận tiện hơn, dễ dàng hơn. 
 
Câu nói trên chỉ nên hiểu như là lời khuyến khích động viên cho hàng cư sĩ tại gia còn nhiều ràng buộc nơi gia đình và xã hội để họ ý thức những khó khăn mà họ đang đối mặt trong đời sống và biết tìm môi trường thích hợp trau dồi nội tâm mình.
 
Hoài Lương 
(Ghi theo lời chia sẻ của thầy Thích Thiện Nghĩa)

Không có nhận xét nào