Mới cập nhật

Tiễn ông Táo chầu trời từ “bến chùa”

Cứ đến ngày 23 tháng chạp, khắp nơi người dân lại làm mâm lễ tiễn ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời. Việc đưa ông Táo không chỉ được thực hiện tại tư gia mà nhiều người dân còn đến chùa đưa tiễn.



 
TPHCM: Mong gia sự bình an và may mắn
Tại các ngôi chùa như Phước Hải - Bình Thạnh, Vĩnh Nghiêm - Quận 3, Phổ Quang - Tân Bình… năm nào cứ gần Tết người dân lại đổ về đây thắp hương làm lễ.
Thả phương tiện cho ông Táo trước sự ngạc nhiên, thích thú của người nước ngoài.

Không chỉ làm lễ tạ cho một năm làm ăn tốt đẹp, gia đình yên ấm, nhiều người cứ vào ngày 23 tháng chạp lại đem cá chép vàng, chim phóng sinh, hàng mã… đến để tiễn đưa ông Táo về chầu trời.
Nhiều người không chỉ thả cá chép, còn đến đốt vàng mã cầu xin ông Táo mang lên dâng cho Ngọc Hoàng để xin gia sự may mắn, làm ăn khấm khá.
“Ông bà đã dạy có kiêng có lành nên năm nào mình cũng mua cá đến thả trong chùa. Ngoài ra mình cũng mua thêm chim để thả phóng sinh, mong là điều này sẽ đem lại cho gia đình một sự an lành cho một năm sắp đến” - anh Hoàng Trần Nguyên, quận Bình Thạnh đến chùa Phước Hải thả cá tâm sự.

... thả chim phóng sinh để cầu điều tốt lành

Tại các chùa, việc thả cá có thứ tự, các vỏ rác đều được đưa về nơi quy định, không có chuyện vứt lung tung hay làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Chính điều này khiến nhiều người rất thích đến đây thả “phương tiện” cho ông Táo.
Hà Nội: Ốc, Cá theo chân ông Táo... về Trời
Trong khi người dân TPHCM đến chùa thả cá chép, chim cho ông Táo thì người dân Hà Nội cũng đến chùa thả các loại khác như Cua, Ốc, Rùa... xuống nước để cầu mong mọi điều may mắn và cũng cầu cho chúng được “chuyển kiếp”.

Buông tay ra cho Ốc được chuyển sang kiếp mới

Ngay từ sáng sớm 16/1 (23 tháng Chạp), trước cổng chùa Trấn Quốc, hàng chục Phật tử của chùa Hưng Ký (Minh Khai) đã “nô nức” đi phóng sinh các loài Cua, Ốc, Rùa... xuống Hồ Tây.
Theo đạo Phật phóng sinh thể hiện chính tâm từ bi, thương xót cho những chúng sinh bị lâm nạn, bị giam cầm… mà con người ra tay cứu giúp chứ không nên vì cầu phúc báo cho mình.
Hơn nữa mục đích của phóng sinh nhằm trưởng dưỡng tâm từ bi đối với vạn loại. Nếu vừa giữ giới không sát sinh, ngăn ngừa việc ác, lại vừa phóng sinh, làm thêm việc thiện thì phước đức và công đức gấp bội.

Hết ốc, cá rồi đến rùa con

Nói về việc bà con Phật tử thích vào chùa tiễn đưa ông Táo, thầy Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm (Binh Hòa - Đồng Nai) cho rằng: Tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 Tết của người dân Việt Nam có nguồn gốc từ đạo Lão giáo, không dính dấp đến Phật giáo.
Tuy nhiên nhiều phật tử, cả người không trong đạo lại thích đến chùa cúng và phóng sinh cá chép là vì tư tưởng "Tam giáo (Phật Lão Nho) đồng nguyên/hợp nhất" đã thấm sâu vào mỗi người Việt như hơi thở.
Hoài Lương - Bùi Hiền
http://bee.net.vn/channel/1987/201201/Tien-ong-Tao-chau-troi-tu-ben-chua-1822627/ 

Không có nhận xét nào