Mới cập nhật

CS:Phật pháp cho sinh viên - Buddhadasa Bhikkhu - Thiện Nhựt phỏng dịch

Tôi muốn nói rõ với các bạn rằng buổi nói chuyện nầy sẽ bàn đến các điều chủ yếu và các nguyên lý căn bản, và đặc biệt dành cho các sinh viên, tức là các người trí thức.
Tôi sẽ bàn luận đến các nguyên lý rộng rãi về Giáo pháp (Chơn lý Thiên nhiên), dưới hình thức vấn đáp, trước đặt câu hỏi với các bạn, rồi sau sẽ cung ứng câu trả lời.

Phật pháp cho sinh viên
Buddhadasa Bhikkhu - Thiện Nhựt phỏng dịch

NHẬP ÐỀ
Thưa các Bạn Ðạo,
Buổi nói chuyện hôm nay được mạng danh là "Phật Pháp Cho Sinh viên."
Tôi muốn nói rõ với các bạn rằng buổi nói chuyện nầy sẽ bàn đến các điều chủ yếu và các nguyên lý căn bản, và đặc biệt dành cho các sinh viên, tức là các người trí thức. Tôi sẽ bàn luận đến các nguyên lý rộng rãi về Giáo pháp (Chơn lý Thiên nhiên), dưới hình thức vấn đáp, trước đặt câu hỏi với các bạn, rồi sau sẽ cung ứng câu trả lời. Ðược nghe câu hỏi trước, các bạn sẽ thấy câu trả lời dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Tôi nghĩ rằng cách nầy phù hợp nhứt để trình bày với các bạn sinh viên, tức là những người thông minh. Người ta thường kể rằng, vào thời Ðức Phật, các bực thông minh chẳng hỏi gì ngoài các điểm chủ yếu và các nguyên lý căn bản. Họ chẳng bao giờ chờ đợi những lời giải thích tẻ nhạt. Ðiều đó có nhiều lợi điểm, nhứt là tiết kiệm được thời giờ.
Và đây là việc tôi sẽ làm ngày hôm nay: đặt một câu hỏi nêu ra một đề tài cho chúng ta, rồi trả lời câu hỏi đó với các nguyên lý căn bản. Bằng cách ấy các bạn sẽ có được các điều thiết yếu về một số lớn đề tài cùng các sự kiện sẽ giúp các bạn dùng làm nền tảng tổng quátvà vững chắc. Có được một nền tảng kiến thức sẽ đem lại thành quả tốt đẹp trong tương lai; nó sẽ giúp các bạn nghiên cứu và hiểu rõ các diễn giả khác.
Một điểm nữa. Hình thức của buổi nói chuyện của tôi còn chuẩn bị cho các bạn được sẵn sàng khi gặp người ngoại quốc, hoặc người thuộc tôn giáo khác hỏi đến. Nó sẽ giúp các bạn trả lời các câu họ hỏi, trả lời đúng đắn, chẳng gây thêm sự hiểu lầm nào liên quan đến Giáo pháp. Xin nhớ kỹ các điều vừa nói, chúng hợp thành cốt lõi của vấn đề. Nếu các bạn khéo nhớ được chừng ấy, thì đó sẽ là một việc rất tôt, và tôi tin rằng, sẽ có lợi thật to lớn cho tất cả các bạn.
Giờ đây, tôi xin lần lượt bàn luận về các đề tài.
Thí dụ như chúng ta được hỏi:


ảnh Internet

01.- Ðức Phật đã dạy về đề tài nào?
Cách hay nhứt để trả lời điều ấy là viện dẫn lời nói của chính Ðức Phật. " Nầy các tỳ kheo, Như Lai chỉ dạy về ÐAU KHỔ (Dukkha, đau khổ, bất toại nguyện) và sự chấm dứt Ðau khổ."
Cho dầu các bạn có đồng ý với câu trả lời đó hay không, tôi cũng xin bạn ghi nhớ lấy nó. Còn có nhiều cách khác để trả lời, nhưng lời giải đáp nầy chính là lời của Ðức Phật đã tóm tắt lại tất cả giáo pháp của Ngài rất ngắn gọn.
Ðức Phật chỉ chỉ dạy có Ðau khổ và sự dập tắt Ðau khổ. Ðiều nầy đã khiến cho các câu hỏi chẳng liên quan trực tiếp đến sự chấm dứt Ðau khổ trở thành chẳng thích nghi với vấn đề. Các bạn khoan nghĩ đến các câu hỏi khác, như: "Sau khi chết, còn có tái sanh không?" hoặc: "Tái sanh diễn ra như thế nào?" Các câu hỏi đó sẽ được cứu xét đến sau nầy.
Vậy thì, nếu một người Tây phương hỏi chúng ta câu hỏi trên, chúng ta sẽ trả lời rằng: "Ðức Phật chẳng dạy điều gì khác hơn là Ðau khổ, cùng sự chấm dứt Ðau khổ."
* * *
Tiếp theo câu hỏi vừa qua, chúng ta có thể được hỏi thêm:
02.- Ðức Phật đã dạy đặc biệt điều gì?
A.- Như các bạn thấy, đây là một vấn đề lớn có thể trả lời nhiều cách tuỳ theo qun điểm khác nhau. Nếu được hỏi như trên, chúng ta có thể đáp, quan trọng hơn hết, Ngài dạy chúng ta đi theo con đường Trung Ðạo,đừng quá khổ hạnh mà cũng đừng quá dể duôi; đừng ngã theo cực đoan nầy cũng chẳng theo cực đoan kia. Một mặt, chúng ta tránh sự tự ép xác quá nhọc nhằn của các phái du già (yiga) chỉ tạo thêm sự khó khăn và rối rắm. Mặt khác, chúng ta phải tránh xa đường lối thực hành còn chấp thuận các thú vui nhục dục, cũng như bảo: "Cứ ăn, cứ uống, cứ vui đùa, vì ngày mai chúng ta sẽ chết mất!" Ðấy là lời nói rất trơ trẽn, chỉ thích hợp với hạng người đắm đuối trong thú vui vật chất.
Ngược lại, con đường Trung Ðạo, một mặt chẳng tạo thêm các cực nhọc cho ta, và mặt khác, chẳng chiều theo dục vọng để hưởng thọ các thú vui nhục dục. Ði theo con đường Trung Ðạo sẽ mang đến cơ duyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự học tập và thực hành, và thành công trong việc chấm dứt đau khổ. Từ ngữ Con Ðường Trung Ðạo có thể ứng dụng vào nhiều tình trạng khác nhau. Nó chẳng thể nào đưa bạn đi lạc đường cả. Nó chủ trương sự tiét chế. Biết các nguyên nhơn, biết các hậu quả, biết chính mình, biết đến mức nào gọi là đủ, biết đúng thời, biết người khác, biết các cộng đồng: đó là Bảy Ðiều Hiểu Biết Cao thượng lập thành các bước đi theo Con Ðường Trung Ðạo.
Ðó là một cách để trả lời câu hỏi trên.
B.- Chúng ta cũng có thể trả lời đúng đắn bằng cách nói rằng Ðức Phật dạy Sự Tự Lực. Các bạn đều hiểu rõ cả thế nào là tự lực, chắc chẳng cần phải giải thích thêm. Nói cách vắn tắt, chúng ta chẳng nên tin cậy vào thời vận và định mạng. Chúng ta chẳng nên tin cậy vào các bực Trời, ngay cả bậc thường được gọi là "Thượng Ðế". Chúng ta phải tự lực, trông cậy vào chính mình. Viện dẫn chính lời Ðức Phật: "Ta là nơi nương tựa của Ta."Ngay cả trong các tôn giáo hữu thần cũng nói rằng Thượng Ðế chỉ cứu giúp những ai biết tự cứu lấy mình. Trong các đạo giáo khác, vấn đề tự lực có thể được nói đến hoặc ít hoặc nhiều, nhưng trong Phật giáo, vấn đềtự lực rất là quan trọng. Khi một người bị phiền muộn và bị lừa phỉnh, đau đớn và thống khổ, người ấy phải biết quay về con đường tự cứu. Ðức Phật bảo: "Như Lai chỉ chỉ con đường. Còn nỗ lực là điều mọi người phải tự mình làm lấy." Nói cách khác, Ðức Phật dạy tự lực. Ta nên ghi nhớ kỹ điều ấy.
C.- Một cách khác để đáp câu hỏi trên là nhắc lại lời Ðức Phật dạy rằng: "Mọi sự vật đều được gây nên và bị điều kiện hoá. Mọi sự vật xuất hiện tùy thuộc vào nguyên nhơn và điều kiện, đúng theo định luật." Lời phát biểu đó cũng giống với câu giải đáp của một vị tỳ kheo - Tôn giả Át bệ (*) - cho Tôn giả Xá lợi phất (*) trước khi vị sau nầy gia nhập Tăng Ðoàn: "Ðức Phật có dạy rằng, mọi sự vật khởi lên do nguyên nhơn. Ta phải biết nguyên nhơn của sự vật đó cùng sự chấm dứt nguyên nhơn của nó." Nguyên lý nầy của Giáo Pháp rất là khoa học, ngay tự nơi bản chất, và chúng ta có thể khẳng định rằng các nguyên lý của Phật giáo đều phù hợp với khoa học. Ðức Phật chẳng hề dùng các dữ kiện cá nhơn hay chủ quan để làm tiêu chuẩn; nói cách khác, Phật giáo là một tôn giáo của Lý trí.
[*Át bệ = Asjavit; Xá lợi phất = Sariputta.]
D.- Lại còn một cách khác để giải đáp câu hỏi số 02, là Ðức Phật đã dạy, như một qui tắc cho sự thực hành:"Hãy tránh các điều ác, siêng làm các việc lành, thanh lọc tâm ý." Ba điều ấy hợp lại thành Ovàda pàtimokkha (Khích lệ Giới bổn), có nghĩa là "tóm tắt các lời khuyến khích": tránh điều ác, siêng làm lành, thanh lọc tâm ý cho trong sạch.
Tránh điều ác và siêng làm lành chẳng cần phải giải thích thêm; nhưng cách làm cho tâm thức con người trở nên trong sạch thì còn chưa nhận thấy được hiển nhiên. Nếu một người cứ lo chụp nắm và bám níu, ngay cả vào điều lành đi nữa, trong tâm thức người ấy sẽ khởi lên sự ô uế: lo sợ chẳng nhận được điều lành, lo sợ bị từ khước các điều tốt đang có, ưu sầu, phiền muộn, và quyến luyến cái nầy, cái nọ coi như là "của tôi". Tất cả những thứ đó tạo nên đau khổ. Dầu cho chúng ta có thành công trong việc tránh ác và làm lành, chúng ta vẫn còn phải biết cách làm sao cho tâm thức mình được thanh tịnh. Ðừng chụp nắm và bám níu vào bất cứ sự vật gì coi như là ta, hoặc là của ta. Bằng không, sẽ có khốn khó và đau khổ (dukkha) đè nặng trĩu lên. Nói cách khác, chụp nắm và bám níu là gánh nặng trên mình. Ðeo bên vai hay đội trên đầu một bịt ngọc ngà châu báu cũng nặng y như đang vác một bịt sỏi đá vậy. Vậy thì, đừng mang sỏi đá, ngọc ngà chi cả. Hãy đặt chúng xuống. Bạn đừng để vật nặng nào trên đầu (đầu , ở đây, có nghĩa là tâm thức). Thanh lọc tâm ý chính là nghĩa đó.
Thứ nhứt tránh việc ác, thứ hai siêng làm lành, còn thứ ba là thanh lọc tâm thức, đó là lời dạy của chư Phật.
E.- Và đây là một lời dạy quan trọng khác nữa đáng được nhắc nhở luôn. Ðức Phật dạy rằng: "Tất cả những sự vật hữu vi (những vật tổ hợp tức là tất cả mọi sự vật, mọi chúng sanh trên thế giới) đều chuyển trôi mãi mãi, luôn luôn tan vỡ (nghĩa là đều vô thường). Mọi người phải nên luôn luôn tỉnh thức!" Xin các bạn hãy nghe cẩn thận các chữ nầy: mọi vật trên cõi đời nầy luôn luôn chuyển trôi, rồi tan vỡ; tất cả đều vô thường. Ðừng chạy theo vui đùa với chúng! Chúng sẽ cấu xé bạn. Chúng sẽ tát vào mặt bạn. Chúng sẽ trói buộc bạn thật chặt chẽ. Rồi bạn sẽ ngồi bệt xuống đất mà khóc than, và biết đâu lại muốn ... tự tử!
Giờ đây, hãy đúc kết lại các cách khác nhau để trả lời câu hỏi số 02. Nếu được hỏi, Ðức Phật đã dạy điều gì, ta sẽ trả lời bằng một trong các câu sau đây:
- Ngài dạy chúng ta nên đi theo con đường Trung Ðạo;
- Ngài dạy chúng ta phải tự lực;
- Ngài dạy chúng ta phải quen thuộc với Ðịnh luật Nhơn quả và thích ứng với nguyên nhơn để hưởng như ý muốn cái hậu quả sẽ theo sau;
- Ngài dạy chúng ta một nguyên tắc thực hành: tránh điều ác, siêng làm lành, thanh lọc tâm ý;
- và Ngài nhắc nhở chúng ta phải biết các sự vật hữu vi đều vô thường, luôn luôn chuyển biến và lúc nào chúng ta cũng phải tỉnh thức.
* * *
Giờ đây nếu gặp một người ngoại quốc hỏi:
03.- "Xin nói vắn tắt, thông điệp của Phật giáo là gì?"
Có thể đáp ngay bằng lời nói vắn tắt của Ðức Phật: "Chẳng có bất cứ điều gì có thể chụp nắm và bám níu vào cả."
Lời Phật, "Chẳng có chi để chụp nắm và bám níu vào cả" là là một câu cách ngôn, ngay trong tầm tay của ta, đâu cần mất thêm thời giờ đi tra cứu trong Tam Tạng Kinh Ðiển (các lời dạy về Giáo pháp được ghi chép lại), vì câu ngắn gọn ấy nói lên đầy đủ và rõ ràng. Trong tất cả các bản Kinh, trong toàn thể Giáo pháp, nhiều đến tám vạn bốn ngàn đề tài, tất cả đều có thể tóm gọn trong một câu duy nhứt: "Chẳng có chi để chụp nắm và bám níu vào cả." Câu ấy dạy ta rằng hễ chụp nắm sự vật và bám níu vào chúng là đau khổ (dukkha). Một khi đã hiểu rõ được lời nói ấy, thì có thể bảo là đã biết tất cả các lời Phật đã thốt ra, toàn bộ tám vạn bốn ngàn Pháp môn. Và hễ đem câu ấy ra thực hành, đó là đang thi hành trọn vẹn Giáo pháp, trong mọi giai đoạn và dưới mọi hình thức.
Lý do vì sao một người thất bại trong việc giữ gìn giới cấm, chính là vì y đã chụp nắm và bám níu vào sự vật. Nếu y biết tự kềm chế chẳng chụp nắm và chẳng bám níu vào bất cứ sự vật chi và dẹp đuợc sự thèm khát cùng sự oán ghét, thì y chẳng thể nào phạm vào giới được. Lý do vì sao tâm trí một người lại luôn xao lãng và chẳng định tâm được, là vì y đang chụp nắm và bám níu vào một điều gì. Lý do vì sao một người còn thiếu trí huệ cũng giống như vậy. Một khi anh ta đã biết tập tánh buông bỏ chẳng chụp nắm nữa, liền đó anh tiến theoCon Ðường Chánh Ðạo, đạt được Quả vị và cuối cùng chứng đắc Niết bàn (Pali = Nibbàna; Phạn = Nirvàna).
Ðức Phật là người chẳng hề nắm bắt điều chi cả. Chánh Pháp chỉ dạy sự thực hành việc buông bỏ chẳng bám níu và quả vị của sự từ khước nắm bắt. Tăng già (Cộng đồng các vị thánh đệ tử của Ðức Phật) gồm có các vị thực hành sự chẳng chụp nắm, một số vị còn đang tập luyện, một số đã hoàn tất.
Khi được yêu cầu tóm tắt Giáo pháp của Ngài trong một câu ngắn, Ðức Phật đã đáp: "Chẳng có bất cứ điều nào mà ta nên chụp nắm và bám níu vào cả."

còn nữa

Không có nhận xét nào